Đền Chung Sơn – đền thờ song thân phụ mẫu và anh chị em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh – là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Miền đất này là nơi sinh ra 3 vị anh hùng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam là Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, những người đã làm rạng rỡ cho núi sông Việt Nam, đem lại vinh dự cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nam Đàn nói riêng: “… Anh hùng xuất chúng Mai, Phan, Nguyễn/ Khoa bảng lừng danh Xán, Đạt, Giao/ Truyền thống anh hùng và học giỏi/ Mong rằng hậu tiến mãi giương cao…”.
Sông núi Nam Đàn – một phần máu thịt của giang sơn gấm vóc Việt Nam – nơi cắt rốn chôn nhau và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ – đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.
Thủ tướng bày tỏ cảm nhận đầu tiên khi bước chân đến đây vừa là sự tĩnh lặng và sâu lắng nguyên sơ, vừa chất chứa sự linh thiêng của một không gian văn hóa – lịch sử. Từ đây, tầm nhìn rộng mở, rõ nét hình sông, thế núi và các làng xóm quây quần: “… Chiu chít liền những núi/ Trông như ngựa chạy vòng/ Miền nam mờ ngọn núi/ Cõi bắc uốn khúc sông…”.
Tại vùng đất này, mỗi ngọn núi, khúc sông và cánh đồng đều gắn với từng nét son trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Có lẽ, từ thời còn rất nhỏ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh nước non hùng vĩ và thêm yêu quê hương, xứ sở để vun dưỡng thêm khát vọng “ra đi tìm đường cứu nước” của mình.
Đá mỹ nghệ Anh Quân – tổng hợp